Mới đây, WingCapital Investments – quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ đã đưa ra dự đoán tăng trưởng phi mã của giá vàng khi cho rằng kim loại quý này có thể sẽ tăng lên mức 3.000 USD/ounce, một con số chưa từng được dự báo trước đó.
Theo phân tích của WingCapital Investments, yếu tố mùa vụ trong vài tháng tới có thể gây áp lực lên giá vàng trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn thì khả năng tăng giá của kim loại quý này sẽ là rất lớn. Cụ thể, giá vàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong vòng 50 tuần tới, vượt trên mức trung bình ở thời điểm hiện nay.
Đầu tuần vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn, đồng nghĩa với việc nợ trên GDP của Mỹ sẽ tăng vọt. Tỉ lệ này có thể tương đương vào năm 1940 khi Mỹ trong cuộc chiến thế giới thứ 2, nợ trên GDP đạt gần 30%. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tỉ lệ này chỉ vào khoảng 10%. Do đó, có khả năng vàng sẽ cất cánh theo tỉ lệ nợ trên GDP của Mỹ. Theo WingCapital Investments, giá vàng mục tiêu 3.000 USD/ounce trong dài hạn là hợp lý. Nhưng để đạt mức giá này cần thời gian tích lũy đến 3 năm.
Tuần qua, kim loại quý trên sàn quốc tế tăng liên tục với tổng cộng 9% và đạt mức tăng trong tuần cao nhất kể từ năm 2008 đến nay, đồng thời, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.628 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng tại Việt Nam biến động mạnh trong tuần qua với biên độ khá rộng, có ngày tăng giảm cả triệu đồng/lượng. Có thời điểm, giá vàng SJC tăng lên 48,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trước khi quay đầu giảm.
Cũng dự đoán giá vàng sẽ đi lên, kênh CNBC cho hay, giá vàng tạm thời hạ nhiệt trong mấy phiên giao dịch vừa qua nhưng vẫn đánh dấu tuần tăng kỷ lục kể từ năm 2008 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lo lắng về dịch bệnh lây lan mạnh nên nhiều nhà đầu tư đã đổ xô tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có vàng. CNBC đưa ý kiến nhận định của các nhà phân tích thị trường cho rằng, trong quý II/2020, giá vàng có thể đạt ngưỡng trung bình khoảng 1.725 USD/ounce.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác như platinum và palladium đều tăng khi nhiều nhà đầu tư lo ngại nguồn cung có thể sẽ hạn hẹp nếu một số nhà sản xuất tại Nam Phi tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19.
Nguồn: CafeF, Vietstock