
Chứng khoán
Dòng tiền tăng đầu tư vào các loại tài sản rủi ro trong giai đoạn hiện tại, sau thông tin tích cực về vaccine COVID-19, sự hưng phấn vẫn tiếp diễn với kỳ vọng về gói cứu trợ tăng cao. Trong khi các nhà lập pháp đang làm việc hướng đến đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 908 tỷ USD, tổng thống Joe Biden thậm chí còn gợi ý gói kích thích kinh tế lớn hơn trị giá 1.200 tỷ USD. Điều này thúc đẩy các chỉ số tiếp tục tăng trưởng từ vùng đình và lập thêm các đỉnh mới trong tuần qua. Chỉ số Dow Jones tăng 0,83% lên 30.218,26 điểm, chỉ số SP500 tăng 0,88% lên 3.699,12 điểm.
Vàng
Giá vàng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại sau 04 tuần giảm liên tiếp. Giá vàng đã tăng khoảng 2,6% trong tuần qua với kỳ vọng về gói kích thích tăng cao trong bối cảnh số liệu thất nghiệp của Mỹ vẫn cao, đạt 6,7% trong tháng 11, đây là sẽ áp lực thúc đẩy các nhà lập pháp sớm thông qua gói cứu trợ kinh tế. Sau giai đoạn tăng mạnh, giá vàng đang gặp phải áp lực chốt lời tại ngưỡng kháng cự 1.850 USD/ounce. Giá vàng giao ngay giảm nhẹ 0,3% về 1.834,92 USD/ounce, giá vàng kì hạn giảm 0,1% xuống 1.840 USD/ounce. Nhà đầu tư vẫn đang theo dõi tiến trình đàm phán về gói kích thích kinh tế của các nhà lập pháp.
Giá bạc gần như không thay đổi ở giá 24,06 USD/ounce, giá palladium tăng 2% lên 2.347,57 USD/ounce.
Dầu thô
Giá dầu thô duy trì ở mốc giao dịch xấp xỉ 50 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần qua bởi sự đồng thuận của OPEC+ về việc chỉ tăng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng từ ngày 01/01/2021. Đồng thời nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng về gói kích thích kinh tế của Mỹ sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong ngắn hạn, tâm lý giao dịch hứng khởi thúc đẩy giá dầu thô tăng lên mức cao nhất từ tháng 3/2020. Giá dầu Brent tăng 1,1% lên 49,25 USD/thùng, giá dầu WTI cũng tăng 0,99% lên giao dịch ở mốc 46,26 USD/thùng.
Nông sản
Giá các loại nông sản đồng loạt suy giảm bởi đón nhận số liệu xuất khẩu tiêu cực ở cả 03 mặt hàng là đậu nành, ngô và lúa mì.
USDA báo cáo sản lượng đậu nành xuất khẩu trong tuần qua đạt 406.900 tấn, mức hàng tuần thấp nhất từ T9/2020, giảm 47% so với tuần trước đó và giảm 68% so với mức trung bình bốn tuần. Sản lượng ngô xuất khẩu cũng giảm 15% so với tuần trước đó, đạt 1,37 triệu tấn, trong đó, Mexico là quốc gia nhập khẩu lớn nhất, chiếm ½ tổng sản lượng xuất khẩu. Tương tự đối với lúa mì, sản lượng lúa mì xuất khẩu tuần qua đạt 446.400 tấn, giảm 44% so với tuần trước đó và 5% so với mức trung bình 04 tuần.
Ngoài ra, tình hình thời tiết thuận lợi hơn ở khu vực Nam Mỹ cũng gâp áp lực lên giá nông sản. Hợp đồng tương lai đậu nành giảm 1,1% về 11,55 USD/giạ, hợp đồng tương lai ngô giảm 1,7% xuống 4,18 USD/giạ, hợp đồng tương lai lúa mì giảm 1,8% xuống 5,74 USD/giạ.