Liên minh OPEC+ tan rã, cộng thêm tâm thế hoảng loạn của giới đầu tư khi nguy cơ khủng hoảng kinh tế do dịch cúm Vũ Hán lan rộng toàn cầu đã khiến giá dầu bốc hơi đến 25% trong phiên giao dịch hôm qua, ngày 09/3.
Dầu lao dốc không phanh sau khi Saudi Arabia tuyên chiến với Nga và bắt đầu chuẩn bị khởi xướng chiến tranh thương mại dầu mỏ, trong khi các nhà đầu tư đang hoang mang tột độ trước tốc độ lây lan nhanh chóng của virus corona. Dòng tiền chao đảo và đổ xô tìm tới những tài sản an toàn như vàng, trái phiếu hay đồng yên Nhật.
Trong phiên giao dịch hôm thứ 2, 09/3, các hợp đồng dầu thô tương lai lao dốc xuống đáy 4 năm. Hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 kết thúc phiên trên sàn Nymex mất đến 10,15 USD, tương đương 24,6%, chỉ còn 31,13 USD/thùng. Trước đó, có lúc giá dầu đã cán dưới mốc 29 USD/thùng hồi đầu phiên.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn bốc hơi 10,91 USD (tương đương 24,1%) xuống còn 34,36 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh hồi tháng 01/1991.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng không khả quan hơn. Chỉ số chứng khoán Châu Âu lao dốc; chỉ số S&P500 giảm 7% ngay khi vừa mở cửa buộc Phố Wall phải “tạm dừng giao dịch 15 phút” – lịch sử 10 năm trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra đã lặp lại. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống chỉ còn 0,318%; lợi suất trái phiếu chính phủ Đức xuống thấp kỷ lục; trong khi vàng lao vọt lên 1.700 USD/ounce lần đầu tiên kể từ 2012 và tăng tổng cộng hơn 10% kể từ đầu năm đến nay.
Sự thúc đẩy của OPEC+ để tăng cường cắt giảm 1,5 triệu thùng/ngày đã bị Nga từ chối trong các cuộc đàm phán thất bại hôm thứ Sáu tuần trước. Điều đó có nghĩa là thỏa thuận cắt giảm hiện tại sẽ hết hạn vào cuối tháng 03 tới đây, sau đó các thành viên trong và ngoài OPEC có thể tự do sản xuất dầu.
Thêm vào đó, Ả-rập Xê-út hồi cuối tuần trước đã nổ phát súng mới trong cuộc chiến giành thị phần dầu mỏ, bằng việc giảm giá xuất khẩu dầu thô nhằm mục đích hạ thấp Nga khi các cường quốc dầu mỏ tham gia vào cuộc chiến giành thị phần.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Hai đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, hiện đang chứng kiến mức giảm 90,000 thùng/ngày trong năm nay, đảo ngược so với dự báo trước đó tăng 825,000 thùng/ngày.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 4 sụt 18,2% xuống 1,1369 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 mất 16,1% còn 1,1629 USD/gallon. Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 vọt 4,1% lên 1,778 USD/MMBtu.
Nguồn: Vietstock, cafeF