
Phố Wall đồng loạt giảm điểm, USD tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng
Phố Wall đồng loạt suy yếu trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Dow Jones giảm 0,31%, S&P 500 giảm 0,32% còn Nasdaq giảm 0,11%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,776%, cao nhất kể từ ngày 22/01/2020, trước khi đảo chiều và giảm phần nào vào cuối phiên.
Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, khiến lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 1% còn Nasdaq trên đà có tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 11. Đồng thời, S&P 500 tài chính, công nghệ và tiêu dùng điều tăng, cho thấy nhà đầu tư tiếp tục chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị.
Vào ngày 30/03, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố chi tiêu giai đoạn đầu trong kế hoạch chi tiêu hạ tầng có thể lên đến 4.000 tỷ USD.
Vàng
Giá vàng duy trì đà giảm vì đồng USD mạnh, lợi suất trái phiếu tăng và hy vọng vào sự phục hồi nhanh hơn kinh tế Mỹ đã làm giảm nhu cầu đối với vàng.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 31/3, giá vàng giao ngay giảm thêm 0,05% xuống 1.685,1 USD/ounce vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 6 cũng giảm 0,05% xuống 1.685,35 USD/ounce.
Giá vàng giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/3) xuống thấp nhất trong gần 3 tuần vì đồng USD mạnh, lợi suất trái phiếu tăng và hy vọng vào sự phục hồi nhanh hơn của kinh tế Mỹ đã làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn – vàng.
Đợt giảm đã khiến vàng rơi xuống dưới mốc 1.700 USD/ounce một lần nữa.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất trong 14 tháng nhờ hy vọng vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và lạm phát cao hơn trước kế hoạch cơ trở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một hàng rào chống lạm phát khi nó làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng, theo Reuters.
“Các yếu tố chi phối thị trường vàng trong ngắn hạn dường như trở nên rất tiêu cực đối với vàng”, ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết khi nhấn mạnh về sự suy yếu gần đây của vàng vì đồng USD mạnh và lợi suất cao.
Mặc dù vàng có thể phải chịu một số áp lực trong ngắn hạn, các nhà đầu tư đặt cược vào mối lo ngại lạm phát có thể tạo ra một đợt mua vàng điên cuồng, ông Moya nói thêm.
Chỉ số USD Index tăng lên đỉnh hơn 4 tháng cũng gây áp lực lên giá vàng vì nó khiến kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, tăng 0,37% lên 93,3.
Trên thị trường kim loại khác, giá palladium tăng 1,8% lên 2.574,26 USD. Đầu phiên giao dịch, có thời điểm giá kim loại này đã tăng hơn 3% sau khi trượt 5,5% trong phiên trước.
Giá bạch kim giảm 1,8% xuống 1.154,89 USD và giá bạc giảm 2,5% xuống 24,05 USD/ounce.
Dầu
Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm hơn 1% vào hôm trước vì kênh đào Suez hoạt động trở lại và đồng USD tăng.
Giá dầu thô WTI giảm 0,13% xuống 60,48 USD/thùng vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam) ngày 31/3. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 0,12% lên 64,1 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/3) sau khi kênh đào Suez hoạt động trở lại và đồng USD tăng mạnh.
Các nhà đầu tư đã chuyển trọng tâm sang cuộc họp bộ trưởng OPEC+ diễn ra vào thứ Năm (31/3), với giới phân tích dự đoán nhóm các nhà sản xuất dầu lớn sẽ kéo dài thoả thuận hạn chế nguồn cung do triển vọng nhu suy yếu.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent giảm 1,3% xuống 64,14 USD/thùng trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,6% xuống 60,55 USD/thùng.
Hai loại dầu duy trì đà giảm trong phiên giao dịch muôn sau khi dữ liệu ngành cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần trước, các nguồn tin trích dẫn báo cáo tuần của Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết.
Trước đó, kết quả cuộc khảo sát các nhà phân tích của Reuters dự báo mức tăng khoảng 100.000 thùng đối với tồn kho dầu của Mỹ.
Dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào sáng ngày thứ Tư (31/3) theo giờ địa phương.
Các con tàu hoạt động trở lại trên Kênh đào Suez, một ngày sau khi các tàu kéo giúp tàu chở container Ever Given nổi lại. Tàu chở container này đã chặn lối đi, gây tắc nghẽn tại kênh đào trong gần một tuần. Sự tồn đọng của 422 con tàu có thể được giải quyết trong 3 ngày rưỡi, chủ tịch của kênh đào cho biết.
Theo nhà phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy, đà tăng giá tích lũy được trong thời gian kênh đào Suez tạm dừng hoạt động, như dự kiến, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hiện đã biến mất khi giao thông dần dần trở lại bình thường.
Đồng USD tăng so với các đồng tiền đối thủ và leo lên mức cao nhất trong một năm so với đồng yen Nhật cũng gây áp lực lên giá dầu. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Với lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung vật chất suy yếu, thị trường sẽ dõi theo cuộc họp vào đầu tháng 4 của OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là OPEC+.
Hôm 29/3, Arab Saudi đã sẵn sàng chấp nhận gia hạn giảm sản lượng cho đến tháng 6 và kéo dài thời gian giảm sản xuất bổ sung của mình trong bối cảnh làn sóng phong toả biên giới mới nhất vì COVID-19, theo nguồn thạo tin.
Nông sản
Đậu tương và ngô của Mỹ giảm do các thương nhân thanh lý hợp đồng và chốt lời một ngày trước các báo cáo nông sản quan trọng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Lúa mì cũng giảm với USD mạnh lên.
Đậu tương kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa giảm 26-1/4 US cent xuống 13,66-3/4 USD/bushel, và hợp đồng kỳ hạn tháng 11, đại diện cho vụ thu hoạch năm 2021 giảm xuống dưới 12 USD/bushel lần đầu tiên kể từ ngày 22/2.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 giảm 7-1/2 US cent xuống 5,39-1/4 USD/bushel và lúa mì cùng kỳ hạn giảm 15 US cent xuống 6,01-3/4 USD/bushel.